Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số

10:06 13/10/2020
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân số, nhất là việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW với mục tiêu Dân số và Phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, cần tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác dân số theo nhóm đối tượng và vùng dân cư; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, nhất là đối với nhóm cán bộ dân số chuyên trách cấp xã và cộng tác viên dân số các thôn, tổ dân phố…
Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - Ảnh 1.

Cán bộ dân số xã  bám nắm cơ sở, tuyên truyền tới tận người dân thực hiện về các chủ trương, chính sách dân số. Ảnh: Anh Thư

Chú trọng ban hành cơ chế, chính sách

Xác định công tác dân số trong tình hình hiện nay là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình và đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Nhất là việc ban hành các cơ chế, chính sách. Trong từng giai đoạn cụ thể, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số được cụ thể hóa bằng các chính sách cụ thể thông qua việc ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh, như: Nghị quyết số 13/2005/NQ-HĐND (công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2005 - 2010); Nghị quyết 78/2013/NQ-HĐND (công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2014 - 2020); Nghị quyết 95/NQ-HĐND (thực hiện Chương trình mục tiêu y tế - dân số)…

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của người dân có sự chuyển biến rõ nét, tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng về mô hình gia đình ít con, sự ủng hộ về việc lựa chọn, thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ được các địa phương đưa vào Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân. Tỷ lệ bà mẹ mang thai sàng lọc trước sinh tăng nhanh, năm 2017 chỉ đạt 14,85% nhưng đến năm 2019 là 31,27%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh tăng cao, trong các năm 2015, 2016, 2017 tỷ lệ chỉ dưới 7%, thì năm 2018 lên đến 37,98%...

Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từng bước được kiện toàn. Kinh phí bố trí cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình khá đồng đều ở các cấp ngân sách...

Là một tỉnh có dân số đông, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và tỉnh đông dân thứ 3 trong 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ; địa bàn có cơ cấu dân số đa dạng… đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, nhất là việc thực hiện một số chỉ tiêu, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 78/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2014 - 2020 không hoàn thành. Hà Tĩnh đang nằm trong nhóm các tỉnh có mức sinh cao. Tỷ lệ sinh con/bà mẹ còn cao và khó đạt được mức sinh thay thế, chỉ giảm được 0,22 con/bà mẹ (3,12 con năm 2014 và 2,9 con vào năm 2019), chỉ tiêu đề ra là 2,1 con/bà mẹ vào năm 2020. Tỷ số giới tính biến động hàng năm và khó được kiểm soát, năm 2014 là 112,36/100, đến năm 2019 là 109,23/100. Theo đó, việc đạt tỷ lệ 105 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 sẽ khó thực hiện; tỷ lệ sinh trên 2 con đang có chiều hướng gia tăng.

Nỗ lực giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số

Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - Ảnh 2.

Mạng lưới cán bộ và cộng tác viên dân số được kiện toàn

Từ thực tế trên, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dân số, nhất là việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW với mục tiêu Dân số và Phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, cần tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện song song hai mục tiêu: Nỗ lực giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số; đồng thời, giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…

Do vậy trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác dân số theo nhóm đối tượng và vùng dân cư. Quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số, nhất là mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh, sơ sinh. Tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, nhất là đối với nhóm cán bộ dân số chuyên trách cấp xã và cộng tác viên dân số các thôn, tổ dân phố. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trên lĩnh vực DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác dân số. Lồng ghép các hoạt động dân số trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Nguyễn Nguyệt/Giadinh.net



Ý kiến bạn đọc