Định kiến giới khiến tình trạng mất cân bằng giới tính càng thêm trầm trọng
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), nhiều người cho rằng chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, coi nội trợ là việc của phụ nữ. Nam giới mới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình.
Về nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia cho rằng là do tâm lý trọng nam vẫn tồn tại trong một bộ phận người dân; dễ dàng chẩn đoán giới tính thai nhi tại các cơ sở y tế dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.
Theo thống kê, mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta còn khá cao.
“Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện”, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lo ngại, nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh chính trị; kéo theo đó là hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn, nhiều nam giới sẽ phải sống trong tình trạng độc thân khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trong tương lai.
Về phía Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng lo ngại, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ dư thừa nam giới (2,3 - 4,3 triệu nam giới không có cơ hội để xây dựng gia đình). Nếu dư thừa nam giới, phụ nữ sẽ có xu hướng kết hôn sớm, kết hôn nhiều lần, nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như HIV, các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai,...
Giải pháp nào?
Đưa ra giải pháp hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, một trong những mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Theo đó, giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Đồng thời có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.
Cùng hướng đến mục tiêu trên, theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Việt Nam luôn coi bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững. Do vậy, Bộ đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện ngày càng tốt hơn lĩnh vực công tác cũng còn đang mới mẻ này. Tuy vậy, những quan niệm bất bình đẳng giới vẫn còn nhiều.
“Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất phát từ các chuẩn mực xã hội phổ biến việc trọng nam hơn nữ, sính con trai hơn con gái. Việc đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 mà Bộ đang xây dựng”, ông Tiến cho hay.
H ồng Nguyên/ Theo Suckhoedoisong.vn