Hơn 40 ngàn lao động Hà Tĩnh ly hương mỗi năm, người già thêm nặng gánh

08:56 10/09/2020

Theo thông tin từ Chi cục Dân số-KHHGĐ, trung bình mỗi năm, Hà Tĩnh có hơn 40 ngàn lao động ly hương. Nhiều ông bà nội ngoại phải vào vai bố mẹ chăm sóc cháu nên càng nặng gánh.

Tuổi già nặng gánh... vì con cháu

Nhà có 3 người con trai, cả 3 đều đi xuất khẩu lao động nên dù đã trên 70, 80 tuổi nhưng ông bà Nguyễn Trọng Đình và Trương Thị Hiên ở thôn Phú Long, xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) hết trông con cho người con đầu xong thì nay lại phải tiếp tục trông con cho anh con trai út.

Bữa cơm của gia đình bà Hiên và 2 cháu nhỏ chỉ là bát canh rau trong vườn và đĩa cá nhỏ

Bà Hiên cho biết: “Tôi năm nay đã trên 70 tuổi, ông nhà cũng trên 80, cả 2 vợ chồng đã già yếu nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ chồng tôi phải gắng trông nom cháu để con cái yên tâm mưu sinh ở xứ người. Già yếu rồi, chẳng thể bày vẽ cho cháu học nhưng để đi chợ hay nấu cho các cháu bát cơm, trông chừng giờ giấc, quản lý các cháu hàng ngày thì tôi vẫn cố gắng hết sức để làm”.

Được biết, vợ chồng người con trai út của bà Hiên mới đi xuất khẩu lao động được 3 năm nhưng do tai nạn lao động, rồi dịch bệnh kéo dài nên chẳng có tiền gửi về. Bữa cơm của ông bà và cháu ở nhà cũng chỉ có bát canh rau trong vườn nhà và ít con cá nhỏ.

Bà Hiên vẫn thường chạnh lòng khi nghĩ đến các con ở nơi xa

“Nhìn 2 đứa trẻ, đứa lớn lớp 6, đứa nhỏ lớp 1 xì xụp bên bữa cơm đạm bạc không khỏi nhói lòng. Trước mặt chúng nó phải gắng để động viên chứ ngồi một mình tôi lại thấy tủi thân. Lẽ ra ở tuổi này con cháu sum vầy, đằng này chúng tôi còn phải cố gắng để làm chỗ dựa cho cháu, để động viên con an tâm làm việc”, bà Hiên chia sẻ.

Bà Tế ngày ngày bận rộn với các cháu khi con trai đi xuất khẩu lao động, con dâu đi làm thuê ở huyện khác

Cũng như bao người già ở thôn Phú Minh (Kỳ Phú), nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Tế cũng đã phải chăm hết cháu ngoại rồi đến cháu nội để tạo điều kiện cho con cái đi làm ăn xa.

Bà Tế cho biết: “Không riêng tôi mà hầu hết ở cả thôn này con cái trong độ tuổi đều làm thuê làm mướn. Đứa xa nhất thì xuất khẩu lao động nước ngoài, đứa gần cũng cách xã, cách huyện nên chuyện chăm cháu đã trở thành trách nhiệm của những người già như chúng tôi...”.

Tại Kỳ Phú, tình trạng già hóa dân số đang dần hiện hữu khi toàn xã có hơn 10 ngàn dân nhưng có tới gần 2.000 người trong độ tuổi lao động ly hương.

Chỉ mong bố mẹ sớm về với con

Bà Dương Thị Liên, gần 70 tuổi - người như là mẹ của 3 cháu ngoại sống ở thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên ( Nghi Xuân) chia sẻ với chúng tôi: “Tôi chỉ có thể chăm lo các cháu đầy đủ mọi nhu cầu trong sinh hoạt thường ngày của cuộc sống chứ không thể lấp đầy những khoảng trống thiếu hụt về tình cảm trong lòng các cháu. Mỗi khi nghe đứa nhỏ gọi điện cho mẹ nói rằng: mẹ về với con đi, con không cần uống sữa nữa cũng được, là tôi lại nuốt nước mắt vào trong”.

Dù bà Liên thường xuyên quan tâm, nhưng không thể lấp được khoảng trống trong lòng các cháu

Dù được bà (Dương Thị Liên) chăm sóc chu đáo, dù được gặp bố mẹ hàng ngày qua điện thoại, nhưng 3 anh chị em cháu Trần Bích Ngọc vẫn chạnh buồn khi chứng kiến cảnh sum vầy của gia đình bạn bè trong những ngày lễ tết.

Bích Ngọc không dấu những giọt nước mắt: “Những khi bị ốm, em rất muốn được nằm trong vòng tay mẹ. Những ngày lễ tết, khai giảng nhìn bạn bè được bố mẹ đưa đón em cũng rất tủi thân, nhưng rồi cũng chỉ biết khóc thầm và cố gắng để bà và bố mẹ không phải buồn vì em biết bố mẹ đi làm ăn xa là để lo cho chúng em ăn học”.

Bích Ngọc không cầm được nước mắt những lúc nhớ về bố mẹ, những lúc ấy bà cũng chỉ biết khóc theo cháu

Cùng tâm sự đó, cháu Nguyễn Thị Mai Linh 13 tuổi ở thôn Phú Long (Kỳ Phú) cũng chỉ biết cố gắng động viên nhắc nhở em. Linh cho biết: “Ông bà nội giờ cũng yếu lắm rồi nên ngoài việc học em cũng đỡ đần thêm việc nhà cho ông bà. Em chỉ muốn bố mẹ sớm trở về thôi”.

Anh Thư/ Theo baohatinh.vn



Ý kiến bạn đọc