Biến thách thức thành cơ hội, hướng tới xây dựng xã hội già hóa khỏe mạnh

09:46 02/06/2020
Theo các chuyên gia, để già hóa dân số không cản trở tăng trưởng kinh tế, không trở thành gánh nặng đối với y tế và an sinh xã hội mà trở thành một lợi thế, các nước trên thế giới và Việt Nam cần xây dựng môi trường hướng tới già hóa khỏe mạnh nhằm thích ứng với già hóa dân số, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Biến thách thức thành cơ hội, hướng tới xây dựng xã hội già hóa khỏe mạnh - Ảnh 1.

Biến thách thức thành cơ hội, hướng tới xã hội già hóa khỏe mạnh. Ảnh: TL

Già hóa vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội

Già hóa dân số đ ang diễn ra trên toàn thế giới, trong đó, Tây Thái Bình Dương là một trong những khu vực có dân số già lớn nhất và tăng nhanh nhất. Cùng với đó, tốc độ thay đổi cơ cấu dân số cũng tăng nhanh, nhiều quốc gia có dân số trẻ đang trải qua quá trình già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so các quốc gia có dân số già trước đây. Việt Nam là một trong số các quốc gia như vậy.

Già hóa dân số đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, già hóa không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà còn là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi, nhiều cơ hội kinh doanh phục vụ nhóm người cao tuổi sẽ xuất hiện.

Do vậy, cần phát huy những lợi thế mà già hóa dân số đem lại như: Người cao tuổi là nguồn lực mới cho sự phát triển; khả năng, kiến thức, kinh nghiệm dồi dào của người cao tuổi; tạo việc làm phù hợp đối với người cao tuổi; phát huy vai trò người cao tuổi tiêu biểu, uy tín trong gia đình để xây dựng gia đình văn hóa, đoàn kết giữa các thế hệ, cộng đồng; vai trò của người cao tuổi tại các cộng đồng dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, giảng dạy…

Theo đó, để giải quyết được những thách thức cũng như tận dụng những cơ hội của già hóa dân số đem lại, cần phải thích ứng với già hóa dân số, có chính sách tiếp cận toàn diện để chủ động chuẩn bị cho giai đoạn dân số già thông qua các chính sách phát triển dịch vụ chăm sóc xã hội, thúc đẩy cơ chế phối hợp công – tư trong cung ứng dịch vụ chăm sóc xã hội, nhất là khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội, gắn kết giữa chăm sóc y tế tại cộng đồng với dịch vụ chăm sóc xã hội chính thức và phi chính thức…

Kinh nghiệm từ các quốc gia có dân số già cho thấy, nếu hành động sớm, có thể biến thách thức thành cơ hội giúp người cao tuổi được phát triển, được cống hiến, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Hướng tới xã hội già hóa khỏe mạnh

Từ thực tế trên, sau cuộc thảo luận cấp cao về già hóa dân số tại cuộc họp Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương vào tháng 10/2019, các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) đã yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng kế hoạch hành động về già hóa khỏe mạnh tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Kế hoạch có tầm nhìn hướng tới người cao tuổi trong khu vực sống khỏe mạnh hơn, được phát triển và cống hiến cho xã hội.

Mục tiêu chính của kế hoạch nhằm thay đổi toàn bộ xã hội để thúc đẩy già hóa khỏe mạnh, thông qua thay đổi chính sách và nhận thức của cộng đồng. Vận động xóa bỏ mọi phân biệt đối xử với người cao tuổi và tạo ra nhận thức tích cực về vấn đề giá hóa bằng cách khuyến khích người cao tuổi tham gia vào quá trình đưa ra quyết định và triển khai chính sách. Thay đổi cơ chế chính sách đa ngành để đảm bảo các chính sách phù hợp với tình trạng già hóa dân số.

Bên cạnh đó, thay đổi hệ thống y tế để giải quyết với gánh nặng bệnh mãn tính và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt cuộc đời. Nâng cao sức khỏe, bao gồm giải quyết các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm. Cải tổ hệ thống y tế để nâng cao khả năng phòng, điều trị bệnh và đồng hành cùng người dân.

Ngoài ra, kế hoạch được thực hiện sẽ giúp trao quyền cho cộng đồng để hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi. Chẳng hạn, các dịch vụ y tế cần đảm bảo cân nhắc cụ thể đến nhu cầu của người cao tuổi. Loại hình chăm sóc dài hạn cũng cần đặt nền tảng tại cộng đồng để hỗ trợ cho già hóa tại chỗ và các nhóm hỗ trợ xã hội nên tạo cơ hội cho người cao tuổi được tham gia và các hoạt động xã hội tại cộng đồng.

Một mục tiêu khác mà Kế hoạch hướng tới là bồi dưỡng và nâng cao các giải pháp công nghệ và xã hội để đảm bảo sức khỏe và khả năng tham gia xã hội của người cao tuổi. Cùng với đó, củng cố bằng chứng về già hóa dân số để hỗ trợ công tác xây dựng chính sách, chương trình và dịch vụ cho người cao tuổi. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu phân tách, nhằm hiểu rõ xu hướng nhân khẩu học, tình trạng sức khỏe của các nhóm dân số, tác động của các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe và nhu cầu của người cao tuổi…

Theo các chuyên gia, để thực hiện thành công kế hoạch hành động về già hóa khỏe mạnh tại khu vực Tây Thái Bình Dương, mỗi quốc gia thành viên cần xây dựng kế hoạch phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội và già hóa dân số ở nước đó dựa trên khung kế hoạch hành động chung của khu vực.

Chủ động chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi

Việt Nam là quốc gia thành viên trong khu vực và cũng là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Do vậy, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp nhằm thích ứng với quá trình già hóa dân số. Tại cuộc họp trực tuyến với WHO khu vực Tây Thái Bình Dương để thảo luận về các vấn đề trong dự thảo kế hoạch hành động về già hóa khỏe mạnh diễn ra mới đây, Việt Nam đã có những chia sẻ cụ thể về bối cảnh già hóa dân số cũng như những giải pháp thiết thực để thực hiện Kế hoạch hành động này.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2011, tỷ trọng dân số trên 60 tuổi của Việt Nam đã chiếm 9,9% tổng số dân. Như vậy, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đến năm 2019, có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trên toàn quốc, chiếm tỷ lệ 11,84% dân số. Theo dự báo, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Y tế xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi hướng tới già hóa khỏe mạnh, thích ứng với già hóa dân số nhanh góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.​

Đề án được thực hiện sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan ban ngành đoàn thể; mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm và triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi, đồng thời xây dựng môi trường, cộng đồng thân thiện nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường dinh dưỡng, vận động thể thao hợp lý; chăm sóc chăm sóc xã hội; phát huy vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi.

Đề án dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7/2020. Sau khi Đề án được phê duyệt sẽ làm tiền đề cho việc thúc đẩy các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn thể xã hội Việt Nam cùng chung tay chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam nói riêng, đồng thời góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế xã hội giữa các nước thành viên khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung.

Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của Việt Nam và các mục tiêu chiến lược hành động chung của khu vực Tây Thái Bình Dương đều có sự nhất quán, tương đồng, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Mai Thùy/Giadinh.net



Ý kiến bạn đọc