Những khó khăn trong việc tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay

14:49 14/04/2020

Có thể nói mô hình tổ chức bộ máy cũng như nguồn nhân lực làm công tác dân số hiện nay là một thách thức lớn cho việc đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra. Vì vậy, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nhất là ở cấp quận huyện và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.

Những khó khăn trong việc tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay - Ảnh 2.

Việc sắp xếp bộ máy tổ chức tuyến huyện đang là trăn trở của những người làm công tác dân số ở cơ sở. ẢNH: HÀ ANH

Những khó khăn, thách thức của công tác dân số trong tình hình hiện nay

Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ: Công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.

Người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người.

Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế.

Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường còn hạn chế. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào kế hoạch hóa gia đình.

Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp cơ sở còn thấp. Chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số. Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho DS-KHHGĐ còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.

Nghị quyết 21-NQ/TW cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đặc biệt là: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác DS-KHHGĐ; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vẫn còn nặng về kế hoạch hóa gia đình, chưa chú trọng các mặt cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và tác động qua lại với phát triển. Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên.

Những bất cập không thể làm ngơ

Những khó khăn trong việc tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay - Ảnh 3.

Cộng tác viên dân số tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho bà con. ẢNH: TL

Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay có nhiều thay đổi, đặc biệt là ở cấp quận/huyện. Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập", các Trung tâm Dân số quận /huyện đã sáp nhập vào Trung tâm Y tế quận/huyện.

Sự thay đổi này đã giảm hàng trăm đầu mối quản lý dân số, y tế cấp quận/huyện và mang lại khả năng phát huy nguồn lực của Trung tâm Y tế cho công tác dân số. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và những người làm dân số ở cơ sở, mô hình này cũng đã bộc lộ những điểm bất cập.

Trong Trung tâm Y tế hiện nay, các công việc có tính chất rất khác nhau: Khối điều trị công việc luôn khẩn trương "Cứu người như cứu hỏa", trong khi đó công tác dân số rất quan trọng nhưng lâu dài mới bộc lộ tác động, kết quả hoặc hậu quả.

Công tác dân số được bao cấp về ngân sách. Trong khi đó, các Trung tâm Y tế đã và đang chuyển sang cơ chế "tự chủ về tài chính". Ở nhiều địa phương, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Y tế, trong điều kiện sáp nhập thêm các đơn vị Dân số và Dự phòng, chưa được quy định lại một cách rõ ràng. Trước đây, Trung tâm Dân số có thể tham mưu trực tiếp cho các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp về công tác dân số, nay chỉ có thể thực hiện gián tiếp thông qua lãnh đạo Trung tâm Y tế. Hiện các cấp chưa có Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển, như trước đây có Ban Chỉ đạo DS-KHHGĐ.

Trong điều kiện trên, nếu Lãnh đạo Trung tâm Y tế không thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 21, không hiểu biết sâu về công tác dân số thì sự thiếu quan tâm đến công tác này, sự điều chuyển nhân lực, vật lực sang khối điều trị nói riêng hoặc cho Trung tâm nói chung là điều dễ hiểu.

Thực tế đang cho thấy điều này. Trước đây, trung bình mỗi Trung tâm Dân số có khoảng 6 biên chế, nay nhiều Trung tâm Y tế chỉ bố trí cho phòng Dân số 3 cán bộ, thậm chí chỉ 1-2 cán bộ. Cán bộ tin học và máy tính của Trung tâm Dân số trước đây cũng thường bị điều chuyển khỏi Phòng Dân số khi sáp nhập với Trung tâm Y tế, tạo ra nguy cơ hệ thống dữ liệu dân cư không được cập nhật thường xuyên.

Về nguồn nhân lực làm công tác dân số, do yêu cầu chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân số vốn xưa nay chỉ quen với nhiệm vụ trọng tâm là KHHGĐ. Thực hiện được nhiệm vụ này cần có sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo các Trung tâm Y tế.

Thách thức lớn cho việc đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra

Có thể nói mô hình tổ chức bộ máy cũng như nguồn nhân lực làm công tác dân số hiện nay là một thách thức lớn cho việc đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra. Vì vậy, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy, nhất là ở cấp quận huyện và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay.

Điều này trước hết đòi hỏi quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ về dân số của Trung tâm Y tế. Thứ hai là tăng cường nguồn lực cho công tác dân số tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra, không chỉ nhân lực, vật lực, tài lực mà còn cả việc bố trí cán bộ lãnh đạo trong các cấp ủy, chính quyền của Trung tâm Y tế.

Bên cạnh đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển là điều cần thiết hiện nay. Song song với việc củng cố tổ chức bộ máy, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về Dân số và Phát triển phải là công việc thường xuyên đối với cán bộ dân số hiện nay.

Câu hỏi được đặt ra là mô hình tổ chức bộ máy cũng như nguồn nhân lực làm công tác dân số hiện nay có đảm đương, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới của chính sách dân số? Trên thực tế và từ những khó khăn thách thức trong thời gian tới, có thế thấy với tổ chức bộ máy và nhân lực hiện nay khó có thể đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra.

Do đó, để đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức bộ máy làm công tác dân số cần phải được thay đổi và kiện toàn.

GS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội



Ý kiến bạn đọc