Vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con?
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sin h phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mục tiêu chính là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Trong Quyết định này có đề cập đến việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Điều này đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là các bạn trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc khuyến khích này hoàn toàn có căn cứ khoa học, đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cũng như tinh thần cho các cặp đôi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và hạnh phúc mỗi gia đình.
Nên sinh con trước 35 tuổi để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, BS Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, nếu kết hôn quá sớm, suy nghĩ chưa chín chắn, các cặp đôi có thể chưa tìm được một người thực sự phù hợp với mình. Tuy nhiên, hôn nhân không phải là càng muộn thì càng tốt, nó cũng nên được căn cứ phù hợp với các yếu tố trong độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ.
Theo đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Các nhà chuyên môn cũng cho hay, khả năng sinh sản của phụ nữ thay đổi theo độ tuổi. Cụ thể, ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, và giảm mạnh sau mốc 35 tuổi. Đến khi bước sang tuổi 45, ít phụ nữ có thể mang thai một cách tự nhiên.
Chính vì vậy, xét về khả năng thụ thai thì 20-24 là độ tuổi tốt nhất, nhưng ở khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 25-34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính và các vấn đề khác. Do đó, ở độ tuổi 20-34, các bác sĩ thường tư vấn phụ nữ nên sinh con.
Ở góc độ khác, nếu phụ nữ lớn tuổi mới kết hôn và sinh con sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ gặp biến chứng trong thai kỳ. Chẳng hạn, phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ như huyết áp cao dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi gây ra rất nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ và sức khỏe của thai nhi.
Cùng với đó, phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh do thiếu, thừa hay tổn thương nhiễm sắc thể tăng lên. Theo nghiên cứu, nếu người mẹ 25 tuổi thì có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/952; trên 35 tuổi là 1/378 và là 1/30 khi phụ nữ trên 45 tuổi mới sinh con. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, không nên sinh con sau 35 tuổi để hạn chế nguy cơ đứa trẻ gặp các rủi ro không đáng có.
Ngoài những vấn đề nêu trên, theo BS Mai Xuân Phương, việc kết hôn ở độ tuổi phù hợp sẽ đem lại nhiều lợi ích về mặt tâm lý, tình cảm và cuộc sống hôn nhân. Dẫn chứng nghiên cứu của TS Nicholas H. Wolfinge, giáo sư xã hội học tại Đại học Utah (Hoa Kỳ) cho thấy, giữa tuổi kết hôn và ly hôn tồn tại một mối quan hệ hình chữ U.
Từ 28-32 tuổi là điểm dưới cùng của đường cong hình chữ U này, nghĩa là nguy cơ ly hôn, chia tay là thấp nhất. Trong khi đó, trước tuổi này hoặc muộn hơn tuổi này, nguy cơ chia tay trong tương lai sẽ tăng dần. Sau 32 tuổi mới kết hôn, nguy cơ ly hôn sẽ tăng khoảng 5% mỗi năm.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người trẻ ở độ tuổi này (28-32 tuổi) có nhận thức rõ về lựa chọn bạn đời của họ, quan điểm sống của họ trưởng thành hơn và họ cũng có thể giải quyết một cách hợp lý hơn các vấn đề trong hôn nhân; có ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái cũng như khả năng chịu đựng cao hơn trong cuộc sống gia đình sau này.
Độ tuổi này, họ có thể chịu đựng được những thất bại và khả năng chịu đựng "ma sát trong hôn nhân" sẽ tăng lên theo, không dễ bốc đồng. Vì hôn nhân liên quan đến hai gia đình nên khi chín chắn, kỹ năng xử lý các mối quan hệ giữa các cá nhân sẽ tốt hơn, có lợi cho việc xử lý các mối quan hệ gia đình sau hôn nhân.
Khi có ý định kết hôn và sinh con, các cặp đôi nên đi khám sức khỏe trước hôn nhân. Việc làm này rất quan trọng, giúp những bạn trẻ chuẩn bị kết hôn có thể bước vào đời sống vợ chồng một cách tự tin với lối sống tình dục an toàn, sẵn sàng chào đón một em bé khỏe mạnh, đồng thời giúp phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời để có kế hoạch điều trị sớm như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục...
Mai Thùy/Giadinh.net