Tiếp tục cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con
Thời gian tới, chúng ta vẫn thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, căn cứ trên tình hình của mỗi vùng miền, địa phương có sự điều chỉnh mức sinh cho phù hợp theo như Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo các chuyên gia, mỗi gia đình, cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt và xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Ảnh minh họa
Vẫn còn người dân hiểu chưa đúng
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp và giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao.
Trong Quyết định này, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp chính như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi thông qua việc tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới… thì một nội dung được rất nhiều người dân quan tâm là việc điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên quan đến vấn đề sinh đẻ.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng về các nội dung trong việc điều chỉnh này, dẫn đến nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí có người còn hiểu rằng, Quyết định này cho phép người dân sinh con thứ 3 một cách thoải mái.
Để làm rõ vấn đề này, BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho rằng, trước hết, người dân cần hiểu về thực trạng mức sinh ở Việt Nam hiện nay và cơ sở để đưa ra Quyết định điều chỉnh mức sinh lần này. Theo đó, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế năm 2006 và duy trì trong hơn 13 năm qua. Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Xu hướng không muốn có con hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa phát triển, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao (trên 2,5 con/phụ nữ).
Chính vì vậy, bản chất của Quyết định điều chỉnh này trọng tâm vào việc duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và có một số biện pháp khuyến sinh ở những nơi mức sinh đang xuống thấp. Nghĩa là, các nội dung điều chỉnh sẽ khác nhau căn cứ dựa trên đặc điểm mức sinh thực tế tại các địa phương, không có sự giống nhau giữa nơi có mức sinh thấp và nơi có mức sinh cao.
Không nên hiểu lầm về việc sinh con thoải mái
Về vấn đề có xử phạt đảng viên sinh con thứ 3 hay không, theo các chuyên gia, tại Điều 27, Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/ 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã đề cập đến vấn đề xử phạt đảng viên vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Cùng với đó, Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW về việc thực hiện một số điều trong Quy định 102-QĐ/TW đã nêu rất rõ về nội dung này. Đến nay, các văn bản này vẫn còn hiệu lực thi hành.
Đề cập đến vấn đề một số người cho rằng, việc điều chỉnh này cho phép mọi người dân "thoải mái sinh con thứ 3", BS Mai Xuân Phương cho biết: Việt Nam có hơn 50 năm thực hiện thông điệp: "Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con". Đến năm 2013, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khi ấy đã giao cho Bộ Y tế xây dựng một chủ trương mới phù hợp với bối cảnh đất nước, không còn nhấn mạnh vào giảm sinh nữa mà chuyển từ duy trì mức sinh thấp hợp lý sang thực hiện duy trì mức sinh thay thế. Từ đó, một thông điệp mới ra đời, đó là: "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con".
"Thông điệp này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được cụ thể hóa trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới; Nghị Quyết 137/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và mới đây nhất là Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", BS Mai Xuân Phương nói.
Theo BS Mai Xuân Phương, từ trước đến nay, trên phương diện pháp luật, Việt Nam không có chế tài "siết" quyền sinh con của con người, mà chủ yếu là thực hiện cuộc vận động trong toàn xã hội. Ngay trong Nghị quyết 21-NQ/TW hay Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng không đề cập đến vấn đề sinh con thứ 3. Chỉ một số tổ chức chính trị có quy định về việc xử phạt khi sinh con thứ 3.
Do đó, trong thời gian tới, chúng ta vẫn thực hiện cuộc vận động mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Trong bối cảnh quy mô dân số của nước ta còn lớn, người dân không nên hiểu lầm về việc sinh con thoải mái, dẫn đến việc tăng sinh trở lại, nhất là những vùng đang có mức sinh cao.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Theo BS Mai Xuân Phương, trong thời gian qua, nhằm khống chế tốc độ gia tăng dân số ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chính sách dân số của nước ta với các quan điểm và hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là giảm sinh, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách DS-KKHGĐ. Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế năm 2006. Năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70% dân số, đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.
Hiện nay, nước ta có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; 33 tỉnh, thành phố thuộc diện mức sinh cao và 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các tỉnh, thành phố về việc thực hiện Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thực hiện điều chỉnh đúng với đặc thù của địa phương mình.
Trong Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thể hiện rất rõ việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau. Theo đó, đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Trong khi đó, đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng.
Ở những địa phương đã có mức sinh dưới mức sinh thay thế, thí điểm, mở rộng thực hiện các chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dạy con; đồng thời có chính sách khuyến khích không kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con. Một số biện pháp cần thực hiện như: Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi; hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em... đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Như vậy có thể thấy, việc một số người dân đang hiểu lầm rằng, bất cứ ai sinh đủ 2 con đều được hỗ trợ về một số phúc lợi xã hội kể trên là không đúng. Đây chỉ là giải pháp áp dụng tại một số địa phương đang có mức sinh thấp và có xu hướng xuống thấp hơn trong tương lai. Hơn nữa, việc điều chỉnh cụ thể ra sao cũng sẽ căn cứ vào thực tiễn tại từng địa phương để thực hiện.
Danh mục các tỉnh, thành phố theo vùng mức sinh
Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Nam.
Vùng mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.
Mai Thùy/ Giadinh.net