Ngày Tránh thai Thế giới: Báo động tình trạng phá thai, vô sinh hãy lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp
Trước thực trạng báo động về việc phá thai và vô sinh, Ngày Tránh thai thế giới năm nay Tổng Cục dân số - KHHGĐ đã chọn chủ đề “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn”.
Tổng cục Dân số - KHHGĐ dẫn số liệu cho hay, hàng năm có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn. 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) vẫn tiếp tục gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng, đặc biệt vị thành niên/thành niên cần được quan tâm hơn.
Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình còn một số hạn chế,...
Vì vậy, Ngày Tránh thai thế giới có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn (Ảnh minh họa)
Năm 2021, nhân kỷ niệm lần thứ 14 Ngày Tránh thai Thế giới, Tổng Cục dân số - KHHGĐ chọn chủ đề: “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn” nhằm tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả hoạt động hưởng ứng tránh thai góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Hoạt động hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới phải được thiết kế trong một kế hoạch tổng thể. Nội dung, thông điệp truyền thông, khẩu hiệu hành động phải được triển khai đồng bộ, thống nhất; tổ chức thực hiện tiết kiệm, lồng ghép hiệu quả với các hoạt động truyền thông thường xuyên tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, Ngày Tránh thai Thế giới cần nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Truyền thông nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai (PTTT), vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), các biện pháp tránh thai an toàn.
Thúy Ngà/ Theo giadinhonline.vn