Công tác dân số Hà Tĩnh năm 2023: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số

14:52 03/10/2023

Những kết quả đáng ghi nhận

Với sự chủ động trong công tác tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, ngay từ đầu năm 2023, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Hà Tĩnh đã hướng dẫn Trung tâm Y tế cấp huyện tập trung tham mưu cho UBND cùng cấp giao chỉ tiêu, bố trí kinh phí nhằm kịp thời triển khai hoạt động sát với tình hình thực tiễn của từng địa bàn.

Đ/c Phan Trường Sang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ phát biểu khai mạc lớp tập huấn về các nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại huyện Can Lộc.

Đối với công tác truyền thông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là chuyển hướng trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thách thức của Hà Tĩnh khi phải song song thực hiện mục tiêu giảm sinh của tỉnh thuộc vùng mức sinh cao và các hoạt động nâng cao chất lượng dân số mà Nghị quyết 21- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2030 đã đề ra.

Cũng từ sự chủ động tham mưu của đội ngũ cán bộ dân số cấp huyện, ngay từ đầu năm, 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã bố trí 1,862 tỷ đồng cho hoạt động công tác dân số theo nghị quyết số 221/2020/NQ-HĐND tỉnh. Từ nguồn kinh phí này, đến nay "Chiến dịch tăng cường truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)" đã được triển khai tại 127 xã của 10/13 huyện, thị xã, thành phố.

Triển khai Chiến dịch tăng cường truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS tại huyện Hương Khê

Công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ cộng tác viên dân số cũng được Chi cục DS-KHHGĐ đặc biệt quan tâm. 13 lớp tập huấn nghiệp vụ DS-KHHGĐ cho 1.430 cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn đã được tổ chức, giúp đội ngũ này nắm vững những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về truyền thông, vận động trực tiếp, về chế độ ghi chép ban đầu và báo cáo biến động DS-KHHGĐ…

6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu DS-KHHGĐ trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 2.351 cháu, tương ứng với tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 32,16%, (giảm 2,37% so với cùng kỳ); tỷ số giới tính khi sinh là 107,21 bé trai/100 bé gái, (giảm 6,68 điểm % so với cùng kỳ); tổng số cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) mới sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại là 27.879 người đạt 73,37 % kế hoạch năm, trong đó biện pháp tránh thai lâm sàng 7.414 người, đạt 52,96% kế hoạch năm; số trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt 4.323 trẻ, tương ứng với tỷ lệ 61%.

Những con số mang đầy niềm vui ấy đã tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ dân số ở Hà Tĩnh trên hành trình thực hiện mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2023

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác DS - KHHGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Dẫu đã có nhiều cố gắng, nhưng đến nay, Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có mức sinh cao nhất trong 33 tỉnh, thành có mức sinh cao của cả nước. Năm 2022 số con bình quân của một bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ của Hà Tĩnh là 2,87 con/bà mẹ (cả nước 2,01 con/bà mẹ).

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phần lớn là do suy nghĩ của người dân về quan niệm đông con hơn nhiều của, cố gắng sinh con có nếp, có tẻ. Ngoài ra việc thực hiện công tác dân số còn nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ cấp huyện đến xã đều phải kiêm nhiệm nên hiệu quả công tác chưa cao. Tại thôn/tổ dân phố, đội ngũ cộng tác viên dân số thường xuyên thay đổi, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế.

Thách thức tiếp theo mà Hà Tĩnh phải giải quyết đó là duy trì, mở rộng có hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, mà trước hết là nâng cao chất lượng dân số thông qua sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhằm giảm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Nhân viên Khoa Sản, Bệnh viện Đa Khoa huyện Cẩm Xuyên tuyên truyền sàng lọc sơ sinh.

Để khắc phục những khó khăn nói trên, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, thời gian tới, công tác dân số Hà Tĩnh cần chú trọng một số giải pháp như: Thường xuyên tham mưu để cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số; Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa Ngành Y tế - Dân số với các ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo công tác Dân số & Phát triển các cấp; Tiếp tục tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS, nhất là về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin dân số và phát triển cho lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tổ chức có hiệu quả Chiến dịch "Tăng cường truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản" tại 54 cụm xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục hướng dẫn Trung tâm y tế chỉ đạo Trạm Y tế tăng cường đáp ứng dịch vụ KHHGĐ thường xuyên; đảm bảo phương tiện tránh thai, thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao được cung cấp đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng dịch vụ thuận lợi.

Tiếp tục lựa chọn, triển khai có hiệu quả một số hoạt động can thiệp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; Chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho VTN/TN; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, sau kết quả 6 tháng đầu năm 2023, sẽ cần rà soát những chỉ tiêu còn thấp, những hạn chế để có giải pháp phù hợp với đặc điểm các đơn vị nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ năm 2023.

TTGD



Ý kiến bạn đọc