Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030: Triển vọng và thách thức

09:37 26/05/2020
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg ban hành “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Đây là chương trình trung hạn trong 10 năm, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Nghị quyết 137/NQ-CP về công tác dân số trong tình hình mới.
Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030: Triển vọng và thách thức - Ảnh 1.

“Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Ảnh: UNFPA

Điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng

Nghị quyết số 21 NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu thứ nhất là "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, qui mô dân số 104 triệu người" và "Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế…".

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê trong kết quả điều tra biến động dân số 2018 và Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tổng tỷ suất sinh (TFR – số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) từ năm 2009 đến 2019 chia theo vùng kinh tế-xã hội cho thấy trong những năm qua, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao. Hai vùng có mức sinh thấp là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng. Tuy Tây Nguyên luôn là vùng có mức sinh cao nhưng dấu hiệu đáng mừng là trong giai đoạn 2009-2019, TFR của vùng này liên tục giảm từ 2,65 con/phụ nữ xuống 2,29 con/phụ nữ, mặc dù năm 2019 có nhích lên 2,43 con. Điều này đã thể hiện sự thành công trong Chiến lược dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, nhưng chưa ổn định và còn sự khác biệt giữa các vùng.

Hai năm mới đây 2018-2019, tuy toàn quốc duy trì ổn định ở mức sinh thay thế (2,09 con) nhưng năm 2019, còn 4 trên 6 vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế (Trung du và miền núi phía Bắc (2,43); Đồng bằng sông Hồng (3,35); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2.32); Tây Nguyên (2,43). Hai vùng thấp hơn mức sinh thay thế (Đông Nam Bộ (1,56), Đồng bằng sông Cửu Long (1,8). Điều cần chú ý là so sánh ngay năm 2018 với 2019 tình hình mức sinh các vùng cũng đã có thay đổi, vùng Đồng bằng sông Hồng ở mức sinh thay thế tăng lên và trở thành vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế, như vậy không còn vùng nào ở mức sinh thay thế. Hai vùng vẫn duy trì ở mức thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Với thực trạng này, chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp 2030 đã chỉ rõ: "Đặc biệt tập trung tuyên truyền nội dung chuyển hướng chính sách về quy mô dân số từ tập trung vào nỗ lực giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Ở địa phương, phải thực hiện "vận động sinh ít con hơn ở nơi mức sinh còn cao, duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh thêm con ở những nơi mức sinh đã xuống thấp".

Điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các tỉnh, thành phố

Trong thực hiện Chương trình Kiểm soát mức sinh phù hợp đến năm 2030 thì việc đánh giá, phân loại mức sinh ở cấp tỉnh/thành phố là rất quan trọng, vì đây là cấp xây dựng, ban hành và cũng là cấp triển khai thực hiện kế hoạch.

Trong Chương trình, Chính phủ đã giao nhiệm vụ: "Củng cố, hoàn thiện hệ thống chỉ báo, chỉ tiêu về quy mô dân số và mức sinh. Đưa chỉ tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cấp quốc gia giai đoạn năm 2021 - 2030. Thường xuyên cung cấp, thông tin về động thái dân số và thực trạng mức sinh cho các cơ quan chỉ đạo, điều hành ở Trung ương và địa phương".

Ngay trong Chương trình đã công bố kèm theo phụ lục danh sách cụ thể phân loại mức sinh các tỉnh/thành phố: (1) Vùng mức sinh thấp gồm 21 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang; (2) Vùng mức sinh cao gồm 33 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đắk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Nam và Hải Dương; (3) Vùng mức sinh thay thế gồm 9 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.

Như vậy, còn hơn 1/2 số tỉnh còn mức sinh cao. Chương trình cũng đã nêu cụ thể nhiệm vụ cho công tác truyền thông để hướng dẫn các tỉnh/thành phố thực hiện kế hoạch phù hợp: "Đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục thực hiện tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội và nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối tượng tuyên truyền, vận động chủ yếu là các cặp vợ chồng đã sinh hai con và có ý định sinh thêm con. Khẩu hiệu vận động là: "Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt"; Đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, nội dung tuyên truyền, vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; đối với gia đình và chăm sóc bố, mẹ khi về già. Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt".

Có thể thấy, Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 hoạch định chủ trương, kế hoạch rất cụ thể cho từng nhóm tỉnh/thành phố phù hợp theo mức sinh.

Cần các giải pháp cụ thể, thích hợp cho từng tỉnh, thành phố

Mặc dù vậy, cũng có những luồng dư luận cho rằng, không hạn chế số con được sinh, kể cả cán bộ, đảng viên, phạt nam/nữ thanh niên kết hôn muộn. . . có sự hiểu nhầm này chắc là do trong chương trình có nêu các nhiệm vụ, hoạt động cần thực hiện: "Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên...".

Ở đây cần hiểu rõ, đây là chương trình và để thực hiện cần xem xét, đánh giá, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Hơn nữa trong phần này cũng còn nhiều những nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện ngay như: Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế... đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp. Chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như sau: Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...; Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ. Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sỹ gia đình...; Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con; Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Để tiếp tục giữ vững được thành quả của công tác dân số với sự phát triển của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đến năm 2030 quy mô dân số đạt 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.

Để duy trì được mức sinh thay thế, Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã hoạch định hệ thống các giải pháp đặc thù cho sự phát triển bền vững của từng vùng, đối tượng, đặc biệt là các giải pháp cụ thể thích hợp cho từng tỉnh/thành phố đối với thực trạng khác biệt về mức sinh đáp ứng theo sự phát triển chung của cả nước.

TS Nguyễn Quốc Anh/Gia dinh.net



Ý kiến bạn đọc