Việt Nam sau 1 tháng bước vào trận chiến chống dịch giai đoạn mới: Từ Bệnh nhân 416 đến những tín hiệu dần tích cực

08:07 25/08/2020

Từ ca bệnh khởi phát tại Đà Nẵng, lan ra các tỉnh thành khác trên khắp cả nước, đến nay sau một tháng, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát. Hiện cả nước có 1.022 bệnh nhân, 27 người tử vong, 588 người được công bố khỏi bệnh.

Bản tin 18h ngày 25/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 chính thức công bố ca bệnh 416 tại TP Đà Nẵng, chấm dứt chuỗi 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Cả nước một lần nữa bước vào cuộc chiến với Covid-19 trong giai đoạn mới.

Đến nay, sau một tháng ghi nhận bệnh nhân 416, cả nước có 1.022 bệnh nhân Covid-19, 27 người tử vong, 588 người được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân 416

Người đàn ông 57 tuổi sống cùng vợ và con gái tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, có tiền sử nang trung thất, đã được phẫu thuật cách đây khoảng 2 năm. Trong vòng 1 tháng trước đó, ông chỉ ở thành phố Đà Nẵng, không đi ra ngoại tỉnh.

Sáng 20/7, thấy người sốt, ho, đờm nhiều nên ông đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Đà Nẵng đã lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm sàng lọc lần một ngày 23/7 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chiều cùng ngày, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu lần 2 cũng cho kết quả tương tự.

Đêm 23/7, CDC Đà Nẵng đã tiến hành gửi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang thực hiện sáng ngày 24/7, kết quả dương tính với virus gây bệnh Covid-19. Mẫu bệnh phẩm của người này tiếp tục được gửi đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm khẳng định.

Đến 12h ngày 24/7, Viện đã có kết quả xét nghiệm bước đầu. Tuy nhiên chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn bệnh nhân có bị nhiễm Covid-19 hay không. Viện tiếp tục lấy mẫu lần 5, sang ngày 25/7, Bộ Y tế chính thức công bố ca bệnh 416.

Từ đây, dịch bệnh bắt đầu lan ra các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Huế, Quảng Ngãi,...

Thành phố Đà Nẵng giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16

Sau khi có thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, UBND TP. Đà Nẵng đã thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Từ 0h ngày 28/7, Đà Nẵng chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong vòng 15 ngày. Việc giãn cách xã hội sẽ được thực hiện tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu.

Từ 13h chiều 28/7, huyện Hòa Vang của TP. Đà Nẵng cũng áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo chỉ thị 16.

Toàn cảnh 1 tháng Việt Nam bước vào trận chiến chống dịch giai đoạn mới - Ảnh 2.

Đà Nẵng phong tỏa toàn thành phố từ ngày 28/7. Ảnh: Hà Nam.

Trong cùng một ngày: Số ca mắc kỷ lục, 2 bệnh nhân đầu tiên tử vong

Sáng 31/7, Việt Nam ghi nhận số ca mắc kỷ lục. 45 bệnh nhân Covid-19 được phát hiện trong các cơ sở y tế đang được cách ly tại TP. Đà Nẵng. Họ có độ tuổi từ 27-87, trong đó 33 trường hợp tại Bệnh viện Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, 2 trường hợp tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, 4 trường hợp tại Khách sạn thu dung cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng - quận Sơn Trà, 2 trường hợp tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng, có nhiều người cao tuổi, mang nhiều bệnh nền phức tạp, chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư... Tình trạng nguy kịch do đó đến nhanh hơn. Các thầy thuốc đầu ngành và các chuyên gia đã hội chẩn hàng ngày để nỗ lực cao nhất tìm cách điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.

Chiều tối ngày 31/7, Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tử vong tại Việt Nam.

Bệnh nhân 428 , nam, 70 tuổi, trú tại Phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam. Cụ ông tử vong vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19.

Bệnh nhân 437 , nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Cụ có tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc Covid-19.

Bộ Y tế cử đội quân "tinh nhuệ", "chưa từng có trong tiền lệ" vào miền Trung dập dịch

Gần 300 chuyên gia dầu ngành, y bác sĩ, điều dưưỡng, nhân viên y tế đền từ gần 20 đơn vị: Bộ Y tế, các Viện/Bệnh viện/ Trường ĐH và một số cơ ở y tế đã chi viện cho miền Trung chống dịch.

Ngày 24/7, ngay sau khi có ca bệnh đầu tiên tại Đà Nẵng, Bộ Y tế cử 3 đội công tác là các chuyên gia hàng đầu về điều trị, xét nghiệm, dịch tễ và truy vết đến Đà Nẵng.

Tối 30/7, Bộ Y tế thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP. Đà Nẵng, do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn.

Trưa 13/8, Bộ Y tế cử thêm 3 chuyên gia đầu ngành vào miền Trung cùng với Bộ chỉ huy tiền phương, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19.

Toàn cảnh 1 tháng Việt Nam bước vào trận chiến chống dịch giai đoạn mới - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế có mặt tại tâm dịch Đà Nẵng từ những ngày đầu.

Khẩn trương truy vết những người về từ vùng dịch

Chiều 31/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng từ 01/7 đến 28/7 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế.

Các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe.

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đưa ra nhận định: "Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới (5/8-15/8). Chúng ta không thể chủ quan mặc dù công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch đã được thực hiện hết sức quyết liệt".

Toàn cảnh 1 tháng Việt Nam bước vào trận chiến chống dịch giai đoạn mới - Ảnh 6.

Các bác sĩ trong trang phục bảo hộ tại Đà Nẵng. Ảnh: Hà Nam.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện thật nghiêm các chỉ đạo về theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng theo đúng quy định. Người đứng đầu các địa phương, Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Các bệnh viện phải thực hiện nghiêm quy định về an toàn dịch tễ. Nơi nào vi phạm thì giám đốc bệnh viện, thủ trưởng cơ quan chủ quản của bệnh viện phải trực tiếp chịu trách nhiệm.

Ngày 7/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngành y tế đang nỗ lực kiểm soát tình hình ở Đà Nẵng. Công tác phòng, chống dịch không phải là câu chuyện riêng ở Đà Nẵng mà tất cả các địa phương đều phải vào cuộc. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đã là 298 ca.

Hà Nội ghi nhận 11 ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng trong giai đoạn mới

Bản tin 6h sáng 6/8 của Bộ Y tế công bố 1 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mới tại Hà Nội. Từ đó đến nay, Hà Nội có 36 ca mắc, 11 người ngoài cộng đồng, 25 ca từ bên ngoài được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Hà Nội khẩn trương truy vết những người về từ Đà Nẵng. Tính đến 12h ngày 21/8, Hà Nội đã lấy được 71.842 mẫu các trường hợp về từ Đà Nẵng; đã có kết quả 49.158 mẫu, ghi nhận 1 trường hợp dương tính (bệnh nhân 979). Cả 30 quận, huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành công tác lấy mẫu xét nghiệm.

Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 40 bệnh viện cả công lập và tư nhân. Qua đó, 30 bệnh viện được đánh giá an toàn; 7 bệnh viện an toàn ở mức thấp; 3 bệnh viện không an toàn buộc phải tạm dừng hoạt động.

Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cần tuân thủ quy định cách ly, không chủ quan, lơ là khi kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Vì hiện nay đã có những trường hợp xét nghiệm đến lần thứ 3 mới có kết quả dương tính.

Chính quyền yêu cầu từ 0h ngày 19/8, tất cả nhà hàng ăn uống, bia hơi, giải khát phải thực hiện nghiêm việc ngồi giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn, khuyến khích có vách ngăn, nhân viên phải đeo khẩu trang suốt quá trình phục vụ.

Ngoài ra, để hạn chế các hoạt động tập trung đông người nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ cho tạm dừng việc tổ chức các hoạt động tại không gian đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 21/8.

TP.HCM: 15 ngày liên tiếp không ghi nhận ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng kể từ bệnh nhân 589

Tính đến ngày 17/8, TP.HCM trải qua 15 ngày không ghi nhận thêm các ca nhiễm mới trong cộng đồng, không có nhân viên y tế nhiễm chéo, không có bệnh nhân Covid-19 tử vong kể từ bệnh nhân 589 (nam, 42 tuổi, có tiền sử về từ Đà Nẵng) ghi nhận ngày 2/8, liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, TP.HCM xác định nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu từ những người nhập cảnh trái phép, như bệnh nhân 912 người Trung Quốc, và những người về từ vùng dịch trong nước nhưng không khai báo y tế.

Đến nay, TPHCM có 15 ca mắc mới, trong đó 8 ca ngoài cộng đồng, 7 người nhập cảnh được cách ly ngay.

Hải Dương xác định ổ dịch thứ 2

Ngay từ khi ca bệnh đầu tiên khởi phát (bệnh nhân 867 từ ngày 8/8), Bộ Y tế đã phối hợp với Hải Dương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch.

Kể từ 0h ngày 14/8 toàn thành phố Hải Dương thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày sau khi ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 trong tình hình mới. Việc giãn cách tuân thủ nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn/khu dân cư cách ly với thôn/khu dân cư, xã/phường cách ly với xã/phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

UBND TP. Hải Dương phối hợp với Sở Y tế phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch nhà hàng Thế giới bò tươi tại số 36, Ngô Quyền, thành phố Hải Dương.

Tính đến 24/8, Hải Dương có tổng cộng 17 ca nhiễm mới, trong đó 14 người liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi và 3 người tại ổ dịch mới liên quan cửa hàng Hiếu Trang (địa chỉ: ngã tư Thanh Xá, Liên Hồng, thành phố Hải Dương).

Bộ Y tế đang nỗ lực để người dân có thể tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian sớm nhất

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước. Đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các công ty, các đối tác sản xuất và cung cấp vaccine có uy tín trên thế giới nhằm có vaccine ngừa Covid-19 cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Về sản xuất vaccine trong nước, các đơn vị trong nước gồm Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, cố gắng cuối năm 2020 thử nghiệm lâm sàng.

Toàn cảnh 1 tháng Việt Nam bước vào trận chiến chống dịch giai đoạn mới - Ảnh 9.

Các tiểu thương ở Đà Nẵng thể hiện tinh thần chống dịch Covid-19. Ảnh: Hà Nam.

Mặt khác, Bộ Y tế đang rất nỗ lực và tích cực phối hợp với các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để thực hiện mua và phối hợp sản xuất vaccine, trong đó có Nga, Anh, Mỹ và các nước khác. Mới đây Bộ Y tế đã đăng ký mua vaccine của Nga và Anh.

Tuy nhiên, việc cung cấp vaccine phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vaccine ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian, nên đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vaccine tiếp cận với người dân.

Việt Nam cán mốc 1 triệu xét nghiệm RT-PCR

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính từ khi bùng nổ dịch Covid-19 đến 15h ngày 24/8, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 1.009.145 xét nghiệm bằng phương pháp RealTime RT-PCR.

Trong vòng 1 tháng qua, công suất xét nghiệm của Việt Nam đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4/2020. Số lượng xét nghiệm trong gần 1 tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu. Hiện toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày).

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, công suất xét nghiệm của Việt Nam đang được nâng lên rất nhanh, việc truy vết, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh rất kịp thời.

"Khả năng xét nghiệm của chúng ta có thể hoàn toàn đáp ứng khi tình huống dịch xảy ra trên diện rộng", Quyền Bộ trưởng khẳng định.

Những tín hiệu tích cực: Các ổ dịch đang dần được kiểm soát

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 chiều 24/8, các thành viên BCĐ thống nhất, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương,... đã được kiểm soát.

Bộ Y tế cho biết, các trường hợp nghi ngờ tại Đà Nẵng và Quảng Nam đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn,… Trong những ngày gần đây số ca mắc mới đã giảm rõ rệt, có thể nói tình hình dịch ở hai địa phương này đã được khống chế.

Trước đây năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng chỉ dừng lại ở 1.000 mẫu/ngày, thì nay con số tăng lên 50.000 mẫu/ngày. Hiện tại, Đà Nẵng đã xét nghiệm được hơn 150.000 mẫu, từ đó phát hiện ra những ca F0 trong cộng đồng, quản lý được F1 và F2.

Để chung sống an toàn với dịch bệnh, BCĐ đề nghị người dân tuân thủ các quy định bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh cơ bản như hạn chế đi ra ngoài; thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc trên các phương tiện công cộng, nơi đông người...; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn…; không lơ là, chủ quan trước diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đề nghị Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trên toàn thế giới; đồng thời cùng Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy các dự án nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19.

Theo Báo Dân Sinh



Ý kiến bạn đọc