Những thách thức khi sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế

08:31 26/08/2020

Hơn 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, đến nay 57 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế quận/huyện. Kết quả là đã làm giảm hàng trăm đầu mối của hệ thống bộ máy quản lý trên địa bàn huyện, giảm số viên chức dân số tại tuyến huyện. Mặt khác, nếu được quan tâm, việc phối hợp, gắn kết các hoạt động truyền thông, giáo dục với cung cấp dịch vụ (dịch vụ KHHGĐ, dịch vụ nâng cao chất lượng dân số…) được thực hiện thuận lợi hơn do chỉ có một cơ quan quản lý và nguồn nhân lực, vật lực đã được gộp lại, nhân lên. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều thách thức, khó khăn.

Những thách thức khi sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế - Ảnh 1.

Cán bộ làm công tác dân số tuyên truyền, tư vấn cho người dân về dân số tại gia đình ở huyện Đô Lương. Ảnh: Mỹ Hà

1. Mô hình đơn vị quản lý công tác dân số cấp quận/huyện thiếu thống nhất, đa dạng về tên gọi

Như đã nói ở trên, đến cuối năm 2019, đa số đã các tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế quận/huyện; 18 tỉnh, thành phố vẫn giữ nguyên Trung tâm DS-KHHGĐ hoặc chỉ có chuyên viên của Phòng Y tế thuộc UBND quận/huyện quản lý công tác dân số.

Đối với các tỉnh đã thực hiện sáp nhập, Trung tâm DS-KHHGĐ trở thành Phòng Dân số hoặc Khoa Dân số của Trung tâm Y tế quận/huyện; cũng có nơi là Phòng Dân số - Truyền thông hoặc Phòng Dân số - Truyền thông và công tác xã hội... Sự không thống nhất mô hình, tên gọi không chỉ giữa các tỉnh/thành phố mà thậm chí, ngay trong một tỉnh, có huyện thành lập Phòng Dân số, có huyện thành lập Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Điều dưỡng và Dân số, có huyện không còn đơn vị mà chỉ có cán bộ chuyên trách quản lý dân số. Như vậy, trước Nghị quyết 19, mô hình đơn vị quản lý công tác dân số trên địa bàn quận/huyện đã đa dạng, sau Nghị quyết 19 các mô hình này còn đa dạng hơn nhiều nhưng điểm chung là tại đa số các tỉnh không còn cơ quan có tư cách pháp nhân quản lý công tác dân số nữa.

Tình trạng "trăm hoa đua nở"mô hình đơn vị quản lý công tác dân số trên địa bàn quận/huyện, một mặt là do chưa thể chế hóa Nghị quyết 19 bằng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế thay thế Thông tư 05 /2008/TT-BYT ngày 14 tháng 5 năm 2008 về việc "Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương"; mặt khác, thể hiện nhận thức khác nhau về công tác dân số nói chung và vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý nói riêng.

2. Nhiệm vụ rộng lớn hơn, mục tiêu nhiều hơn nhưng biên chế viên chức dân số ở nhiều quận/huyện giảm, quá ít và thường bị điều động làm việc khác

Những thách thức khi sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế - Ảnh 2.

Cán bộ, cộng tác viên dân số huyện Bắc Quang, Hà Giang tham gia Hội thi tuyên truyền viên dân số giỏi cấp tỉnh. Ảnh: T.L

Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ngày 25-10-2017 về "Công tác dân số trong tình hình mới" (Nghị quyết 21) đã đề ra phương hướng cho công tác dân số ở nước ta là: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".

Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu: "Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững". Mục tiêu này được cụ thể bằng 24 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030.

Cần lưu ý rằng, cách đây 27 năm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) về công tác DS-KHHGĐ (Nghị quyết 4) chỉ nêu 1 mục tiêu giảm sinh và chỉ cụ thể hóa bằng 1 chỉ tiêu: "Đến năm 2015 bình quân trong toàn xã hội mỗi gia đình (một cặp vợ chồng) có 2 con". Như vậy, so với Nghị quyết 4, công tác dân số đề cập trong Nghị quyết 21 có nội dung rộng lớn hơn và mục tiêu, chỉ tiêu nhiều hơn. Khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, khi đề cập công tác dân số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Đây là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc".

Nội dung công việc rộng, mục tiêu đề ra nhiều, địa bàn quản lý cấp quận/huyện khá lớn, nhất là ở miền núi nhưng khi sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế, viên chức dân số trong Trung tâm Y tế lại giảm đi, thậm chí chỉ còn 1-2 người, không đủ điều kiện thành lập khoa/phòng Dân số nên phải "biên chế" vào các phòng chuyên môn khác như: Phòng Tổ chức, phòng Thu ngân, kế toán; phòng nghiệp vụ…

Điều này là do 2 "làn sóng" di chuyển khỏi Trung tâm DS-KHHGĐ khi sáp nhập với Trung tâm Y tế:

Làn sóng thứ nhất, chuyển đi ngay trước khi sáp nhập: Theo thống kê, khoảng 2/3 cán bộ của các Trung tâm DS-KHHGĐ quận/huyện có chuyên môn về kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật... nên khi Trung tâm DS-KHHGĐ chuyển về Trung tâm Y tế - đơn vị dịch vụ công lập, người ta thấy, đây không phải là "đất dụng võ" của họ, ở lại họ khó phát triển. Do vậy, họ xin chuyển cơ quan, xin về hưu sớm; thậm chí là bỏ việc. Có tỉnh quá nửa lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ chuyển đi.

Làn sóng thứ hai chuyển đi sau khi sáp nhập: Những cán bộ thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ có chuyên môn Y, Dược, khi chuyển về Trung tâm Y tế thường được điều sang khối điều trị và bản thân cán bộ, vì nhiều lý do cũng muốn chuyển sang khối này. Một số cán bộ thống kê, tin học cùng trang thiết bị (máy tính) cũng được điều động chuyển khỏi phòng/khoa Dân số. Hoạt động phòng, khám, chữa bệnh hằng ngày của Trung tâm Y tế thường quá tải, mang tính khẩn trương "cứu người như cứu hỏa". Vì vậy, viên chức dân số đã ít nhưng nhiều khi cũng được huy động cho các hoạt động Y tế.

Sự mất cân đối giữa nhân lực và công việc là thách thức lớn đối với công tác dân số ở nhiều quận/huyện hiện nay.

3. Việc tham mưu, điều phối các hoạt động của công tác dân số khó khăn hơn

Nghị quyết 21 yêu cầu công tác dân số phải "đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh". Như vậy, bộ máy quản lý công tác cũng cần có "quan hệ hữu cơ" với các cơ quan quản lý "kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh".

Bài học thành công trong giai đoạn thực hiện chính sách DS-KHHGĐ là huy động được sự tham gia, đóng góp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và sự hưởng ứng của nhân dân. Sở dĩ huy động được sự tham gia của mọi lực lượng xã hội như vậy là vì Ủy ban DS-KHHGĐ quận/huyện là cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân huyện quản lý các hoạt động về DS-KHHGĐ; tổ chức điều hòa, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội thực hiện chương trình DS-KHHGĐ trên phạm vi huyện… Mô hình tổ chức Ủy ban DS-KHHGĐ quận/huyện thống nhất trên toàn quốc là cơ quan "liên ngành" và "liên đoàn thể, tổ chức xã hội", cùng cấp với các cơ quan, ban ngành và các đoàn thể, tổ chức xã hội; hơn nữa hầu hết các cơ quan, ban ngành và các đoàn thể, tổ chức xã hội là thành viên của Ủy ban nên việc điều hòa, phối hợp công tác trên địa bàn chủ động và thuận lợi. Uỷ ban DS-KHHGĐ có thể tham mưu trực tiếp cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác dân số của địa phương. Hiện nay, các phòng/khoa Dân số chỉ còn là một đơn vị trong hàng chục đơn vị của Trung tâm Y tế quận/huyện, không còn là cơ quan có tư cách pháp nhân; việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền quận/huyện và điều phối hoạt động mang tính gián tiếp, qua nhiều tầng nấc trung gian nên khó và chậm hơn.

Hoạt động của công tác dân số chủ yếu diễn ra trong cộng đồng, gắn liền với từng cơ sở, từng địa phương. Bộ máy quản lý công tác dân số ở cơ sở, ở địa phương quyết định sự thành công việc thực hiện chính sách dân số mới. Sau Nghị quyết 21, việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế quận/huyện là sự thay đổi lớn nhất trong hệ thống tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số các cấp. Điều này không tránh khỏi sự xao động về mặt tư tưởng, nhận thức; sự xáo trộn về nhân sự và "chuyệch choạc" trong hoạt động quản lý thời gian đầu. Thậm chí, có người lo ngại rằng, có nguy cơ công tác dân số bị bỏ ngỏ hoặc chỉ còn là chấm nhỏ trong Trung tâm Y tế. Vì vậy, trước mắt, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện là vô cùng cần thiết và quan trọng. Về lâu dài, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 cần sớm được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, sớm ban hành Đề án căn cơ về hệ thống tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số các cấp nói chung và cấp huyện nói riêng, tránh thay đổi liên tục.

Đảng ta luôn xác định công tác dân số có vị trí rất cao trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết 4 chỉ rõ: "Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội".

Nghị quyết số 21 cũng nhấn mạnh: "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân". Quán triệt những quan điểm này là động lực củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số các cấp, đặc biệt là cấp quận/huyện, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.

Sau nhiều lần thay đổi, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý công tác DS-KHHGĐ ở nước ta từ năm 2008 đến nay, hệ thống này ở cấp Trung ương là Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế. Ở cấp tỉnh là các Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế. Riêng ở cấp quận/huyện, đến năm 2017, mô hình lại khác nhau giữa các tỉnh/thành phố, cụ thể là: (1) 48 tỉnh/thành phố Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ; (2) 14 tỉnh/thành phố cũng có Trung tâm DS- KHHGĐ nhưng trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện; (3) Riêng TP Hồ Chí Minh không thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ ở quận/huyện mà chỉ bố trí chuyên viên Phòng Y tế quận/huyện quản lý lĩnh vực này.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), ngày 25/10/2017 đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập" (Nghị quyết 19). Trong đó, đối với lĩnh vực Y tế và Dân số, Trung ương Đảng chủ trương:"Thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên), bao gồm: Y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác; trung tâm trực tiếp quản lý trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực (nếu có)".

GS.TS Nguyễn Đình Cử - (nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội)/Theo Giadinh.net.vn



Ý kiến bạn đọc