Công tác dân số ở Hà Tĩnh “chật vật” do thiếu kinh phí hoạt động

09:53 28/09/2022
Đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh vẫn chưa bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động của công tác dân số, vì thế, việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành trong năm 2022 hết sức khó khăn.

Đã gần cuối tháng 9/2022 nhưng nhiều chỉ tiêu của ngành dân số không đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, chiếm 35,16%; tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,91 bé trai/100 bé gái. Một trong những nguyên nhân khiến công tác dân số gặp nhiều khó khăn là do thiếu kinh phí hoạt động.

Công tác dân số ở Hà Tĩnh “chật vật” do thiếu kinh phí hoạt động

Thiếu kinh phí hoạt động, Thạch Hà đã linh hoạt lồng ghép tuyên truyền công tác dân số

trong các buổi sinh hoạt của hội phụ nữ.

Ông Bùi Quốc Hùng - Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh chia sẻ: “Từ năm 2021, chương trình mục tiêu y tế - dân số kết thúc, công tác dân số từ hoạt động có mục tiêu chuyển sang hoạt động thường xuyên nên kinh phí của cấp nào do chính quyền cấp đó bố trí từ nguồn dự toán chi thường xuyên. Để giải quyết vấn đề này, tại Kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (ngày 10/7/2020) đã ban hành Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND tỉnh (NQ 221) quy định một số chính sách về công tác dân số và phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030.

Theo NQ 221, hằng năm, cấp huyện, xã bố trí tối thiểu 0,15% tổng chi ngân sách thường xuyên cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ công tác dân số cùng cấp quản lý theo quy định hiện hành. Đó là hỗ trợ về hoạt động dân số như: thưởng cho các phường, xã, thị trấn đạt các mục tiêu đề ra; tăng một số khoản cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số; mở rộng các đối tượng được hưởng lợi miễn phí từ chương trình sàng lọc sơ sinh; hỗ trợ miễn phí biện pháp tránh thai cho các cặp vợ chồng…".

Công tác dân số ở Hà Tĩnh “chật vật” do thiếu kinh phí hoạt động

Việc tuyên truyền, tư vấn công tác DS/KHHGĐ ở Can Lộc cũng được tăng cường tại các cơ sở y tế.

Sự ra đời của NQ 221 được xem là động lực để thực hiện mục tiêu giảm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ở nhiều địa phương, việc bố trí kinh phí cho công tác dân số chưa thực hiện đúng nguyên tắc và định mức quy định tại NQ 221.

Theo báo cáo của Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh, đến thời điểm hiện tại, có 7 huyện chưa bố trí kinh phí thực hiện công tác dân số theo NQ 221 là: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh. 6 địa phương còn lại có bố trí kinh phí nhưng mức thấp hơn nhiều so với định mức quy định như: Nghi Xuân chỉ bằng 0,03% tổng chi ngân sách thường xuyên của huyện năm 2022; kế đó là Hồng Lĩnh 0,043%, Hương Sơn 0,056%,...

Do chưa được bố trí kinh phí, công tác dân số ở nhiều địa phương như: Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh… hoạt động cầm chừng. Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ buộc phải thu hẹp địa bàn, đối tượng.

Công tác dân số ở Hà Tĩnh “chật vật” do thiếu kinh phí hoạt động

Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở huyện Can Lộc được thực hiện theo cụm.

“Để khắc phục tình hình, từ đầu năm đến nay, chúng tôi cũng đã cố gắng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách lồng ghép với các hoạt động của các cấp hội, khối đoàn thể ở cơ sở; tổ chức chiến dịch chăm sóc SKSS/KKHGĐ theo cụm... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn tăng 1,3%, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai giảm 2,3%”, chị Phạm Thùy Dương - Trưởng phòng Dân số truyền thông, Trung tâm Y tế huyện Can Lộc thông tin.

Tại Lộc Hà, để phục vụ cho hoạt động dân số, HĐND huyện đã bố trí 60 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này chưa đủ định mức theo quy định tại NQ 221. Bác sỹ Đào Văn Thế - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Hà chia sẻ: "Nguồn kinh phí mới được cấp vào cuối tháng 9 nên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa triển khai được chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ và một số nhiệm vụ của công tác dân số. Việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm sẽ rất khó để thực hiện”.

Công tác dân số ở Hà Tĩnh “chật vật” do thiếu kinh phí hoạt động

Thiếu kinh phí, hoạt động dân số của Hà Tĩnh khó đạt mục tiêu đề ra.

Mục tiêu của ngành dân số trong giai đoạn mới là chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh vẫn đang “chật vật” trên hành trình giảm sinh, bởi đây là một trong những tỉnh có mức sinh mức cao của cả nước.

Chính vì thế, để ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, sự đồng hành của các cấp chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí kinh phí cho hoạt động dân số là điều hết sức quan trọng.

Anh Thư/ Theo baohatinh.vn



Ý kiến bạn đọc