Giới Thiệu Tổng Quan

15:10 01/01/2020

é

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 1562/QĐ-UBND ngày 06/6/2008 của UBND tỉnh, là tổ chức thuộc Sở Y tế, có 17 nhiệm vụ và quyền hạn để thực hiện chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế quản lý Nhà nước về DS-KHHGĐ, bao gồm các lĩnh vực: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; chỉ đạo các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về DS-KHHGĐ trong phạm vi toàn tỉnh. Về cơ cấu tổ chức và bộ máy: Chi cục có Chi cục trưởng và các Phó Chi cục trưởng, các phòng chuyên môn gồm có:Phòng Tổ chức – Hành chính – Kế hoạch - Tài vụ; Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Phòng Truyền thông - Giáo dục.Năm 2008, Đồng chí Lê Lành được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, đồng chí Nguyễn Huy Tú được bổ nhiệm làm Phó Chi cục trưởng- Chi cục Dân số- KHGGĐ tỉnh.

Giai đoạn trước năm 2008, cơ quan chuyên trách dân số tại tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2002 có tên gọi là Ủy ban DS-KHHGĐ hợp nhất với Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bổ sung thêm chức năng gia đình, thành tên gọi: Ủy ban DS,GĐ&TE do đồng chí Lê Lành là Chủ nhiệm. Tháng 3, năm 2008, Ủy ban DS,GĐ&TE giải thể, chức năng quản lý nhà nước công tác DS-KHHGĐ được giao về Sở Y tế Hà Tĩnh. Trong khoảng thời gian này, nhiều khó khăn, thách thức liên tục đặt ra đối với ngành Dân số cần được giải quyết kịp thời. Trong bối cảnh nhiều ngổn ngang, với tinh thần và bản lĩnh của những cán bộ, đảng viên, lãnh đạo ngành Y tế- Dân số đã nhanh chóng tham mưu, khắc phục tình hình, dần ổn định bộ máy tổ chức, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành. Hàng loạt các văn bản, nghị quyết, công điện, thông tư của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ được ban hành kịp ​thời đã ổn định được tư tưởng của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ.

Trong giai đoạn 2008-2011, ngành Dân số tập trung vào kiện toàn tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 06/6/2008, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định số 1563/QĐ-UBND thành lập 12 Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình thuộc Chi cục Dân số -KHHGĐ với tổng số Cán bộ là 80 người.12 trung tâm Dân số-KHHGĐ có chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật, truyền thông giáo dục về Dân số-KHHGĐ trên địa bàn huyện. Có 262 cán bộ chuyên trách Dân số-KHHGĐ xã, phường, thị trấn. Số Cộng tác viên là 3.192 người. Cùng với đó nhiều văn bản chỉ thị, quyết định của Tỉnh Hà Tĩnh được ban hành trong giai đoạn này đã cụ thể hóa một số chế độ, chính sách DS-KHHGĐ tỉnh nhà, đặc biệt là vấn đề khen thưởng, xử lý những tập thể, cá nhân thực hiện tốt hoặc vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ; đồng thời, quy định cụ thể tỷ lệ ngân sách đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ cũng như các giải pháp cơ bản về tuyên truyền - giáo dục, tổ chức bộ máy, cung cấp dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Đó là căn cứ pháp lý cụ thể và là điều kiện thuận lợi để tổ chức triển khai công tác DS-KHHGĐ một cách đồng bộ, mạnh mẽ hơn so với giai đoạn trước.  Cụ thể như: Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 19/6/2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành Quy định tạm thời một số chế độ, chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (thay thế quyết định số21/2006/QĐ-UBND ngày 27/3/2006); Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 10/8/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác dân số- KHHGĐ giai đoạn 2010-2015; Quyết định số 30/2009/QĐ-UBND ngày 06/10/2009 của UBND tỉnh Ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 44-CT/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số-KHHGĐ giai đoạn 2010-2015.

Năm 2009 ngành triển khai Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009-2020 tỉnh Hà Tĩnh tại 45 xã thuộc 05 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân, Lộc Hà theo Quyết định số 3299/QĐ-UBND ngày 20/10/2009 của UBND tỉnh. Với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện cho việc triển khai đề án được thuận lợi. Kết quả quan trọng đạt được đó là chuyển đổi hành vi của người dân về vấn đề DS-KHHGĐ; cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu CSSK bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ cho người dân vùng ngập mặn và ven biển của tỉnh. Tại 45 xã ven biển, bãi ngang được triển khai đề án, mỗi năm đã thành lập 7 đội dịch vụ lưu động đến các xã thực hiện nhiệm vụ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ y tế. Qua 5 năm đầu triển khai, đã có 165.702 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được truyền thông, tư vấn; 19.357 bà mẹ mang thai được tư vấn; 79.963 người được khám phụ khoa; 62.595 chị em phụ nữ được tư vấn về dịch vụ KHHGĐ.

Năm 2011, Tổng cục Dân số-KHHGĐ bắt đầu triển khai thí điểm một số Đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số tại Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015 như: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh; khám tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; Can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.Trong đó, đề án Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh đến năm 2019 đã triển khai tại 191 xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai tại 262/262 xã, phường, thị trấn.Việc mở rộng các đề án, mô hình đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số, chuyển trọng tâm chính sách Dân số-KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Năm 2012, thực hiện Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh về phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, ban quản lý dự án và tổ chức hội; theo đó Trung tâm Dân số cấp huyện lại được chuyển giao chủ thể quản lý từ tỉnh về huyện. Đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ cấp huyện do nhiều người mới được tuyển dụng từ cuối năm 2009 nên còn hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và điều phối các lĩnh vực công tác của chương trình Dân số - KHHGĐ.

Kể từ khi được chuyển giao về ngành Y tế, mặc dù Ngành đã tích cực tham mưu, nỗ lực rất nhiều trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhưng công tác dân số vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tổ chức bộ máy vẫn chưa ổn định. Cán bộ Dân số xã và cộng tác viên Dân số- KHHGĐ thôn/xóm/khối phố chất lượng không đồng đều, thiếu ổn định. Năm 2009 và 2010, thực hiện Quyết định 612 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3708/QĐ-UBND giải quyết chế độ cho 169 cán bộ chuyên trách dân số cấp xã không đủ chuẩn phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đồng thời với quá trình đó, các địa phương cũng đã bố trí 169 người đủ chuẩn theo quy định của nhà nước đảm nhận công tác này. Tuy nhiên, do chờ đợi lâu chưa được tuyển dụng, khối lượng công việc nhiều, phụ cấp lại thấp (417.000 đồng/người/tháng, trong đó có 200.000 đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia) nên hàng năm đội ngũ này có biến động lớn (xin thôi việc, chuyển công tác). Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và đặc biệt là công tác theo dõi, quản lý biến động dân số…  Thực tiễn của công tác Dân số cho thấy, cứ mỗi lần có sự thay đổi về tổ chức bộ máy và chính sách dân số là mức sinh lại tăng cao, nhiều địa phương tăng đột biến.Đến cuối năm 2012, mục tiêu “bố trí mỗi xã, phường thị trấn một cán bộ làm chuyên trách làm công tác dân số và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với đội ngũ này” (như Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh đề ra) chưa thực hiện được, tạo ảnh hưởng không tốt tới việc tổ chức thực hiện chương trình DS-KHHGĐ của Tỉnh.

Năm 2012, Chi cục triển khai thí điểm Mô hình Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại 06 xã, phường thuộc huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Đây là mô hình thiết thực trong quá trình cơ cấu dân số đang từng bước tiến vào giai đoạn già hóa như hiện nay. Người cao tuổi đã được khám, cấp thuốc, tư vấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe.Thực hiện Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025, Sở Y tế Hà Tĩnh xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Tháng 9/2012, đồng chí Lê Lành, Phó Giám đốc Sở Y tế về nghỉ hưu theo chế độ, tháng 10/2012 đồng chí Nguyễn Huy Tú – Phó Chi cục trưởng được giao phụ trách Chi cục. Ngày 01/01/2013, bác sĩ Đường Công Lự- nguyên là Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh kiêm Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ.

Năm 2013, ngành Dân số tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 30/01/2013 về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới; tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số giai đoạn 2014-2020 trình HĐND tỉnh phê duyệt (Nghị quyết 78/2013/NQ-HĐND tỉnh ngày 18/12/2013). Năm 2014, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 77/KH-UBND ngày 05/3/2014 thực hiện Nghị quyết 78. Mục tiêu của công tác dân số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2020 đã được Nghị quyết 78/2013/NQ-HĐND chỉ rõ: “Kiên trì thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con, nỗ lực giảm sinh và giảm nhanh tỷ lệ sinh trên 2 con, tiến tới đạt mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề cơ cấu dân số, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.”

Năm 2014, trên cả nước, nhiều tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế, chuyển sang thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số thì Hà Tĩnh vẫn là một trong những tỉnh có mức sinh cao, còn phải nỗ lực nhiều để ổn định mức sinh và có quy mô, cơ cấu dân số hợp lý… Một rào cản lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm sinh đó chính là tình trạng sinh con vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; tỷ lệ sinh trên 2 con của Hà Tĩnh mấy năm gần đây giảm chậm và còn cao so với cả nước; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố; đặc biệt nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sinh con vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ (từ 400 đến 700 người/năm). Cùng một hình thức sinh con vi phạm chính sách Dân số-KHHGĐ nhưng mỗi địa phương, đơn vị lại có các hình thức xử lý kỷ luật khác nhau, không thống nhất, không đồng bộ, thiếu kiên quyết. Có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giữ chức vụ nhưng chưa xử lý, chậm bị xử lý hoặc chỉ bị xử lý trong Đảng mà không bị xử lý về mặt nhà nước. Thực tế, đã có cán bộ giữ chức vụ vi phạm nhưng vẫn tiếp tục được “tại vị”, vẫn được đưa vào quy hoạch, vẫn được cân nhắc, xem xét bố trí giữ các chức vụ nên tạo dư luận không tốt trong địa phương, đơn vị, làm ảnh hưởng đến quá trình tuyên truyền, tổ chức vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” nói chung và việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ nói riêng.

Trước những khó khăn của công tác DS-KHHGĐ, khó có khả năng hoàn thành mục tiêu Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, lần thứ XVII; nhằm đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật về DS-KHHGĐ, giúp tỉnh tiếp tục ổn định tình hình, thực hiện nghiêm việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương để tổ chức xây dựng dự thảo cẩn trọng, chặt chẽ theo quy định và đã chính thức ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-UBND quy định tạm thời về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang sinh con vi phạm chính sách DS-KHHGĐ, thông qua đó nhằm mục đích để các địa phương, đơn vị xử lý đồng bộ, thống nhất, kịp thời cá nhân, tập thể cán bộ vi phạm, đồng thời để đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện tốt việc nêu gương trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Quyết định 77 nhằm cụ thể hóa chính sách DS-KHHGĐ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh được quy định trong Pháp lệnh Dân số và Nghị định 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số (điểm 2, Điều 30 quy định trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh).

Tháng 4/2014 đồng chí Nguyễn Thị Tùng Hoa, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Kế hoạch - Tài vụ được bổ nhiệm làm Phó Chi cục trưởng.

Năm 2015, ngành đã tham mưu UBND ban hành QĐ 46/2015/QĐ-UBND ngày 18/9/2015 ban hành Quy định tạm thời một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thay thế QĐ 18/2009/QĐ-UBND ngày 19/6/2009. Trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh: Thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có đủ 2 con no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mỗi cặp vợ chồng và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lựa chọn để sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khoẻ và tâm lý. Các cặp vợ chồng và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ký cam kết thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ với chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan nơi công tác. Bảo vệ sức khoẻ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác trong công tác dân số - KHHGĐ theo quy định của pháp luật. Mỗi cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, vận động người thân trong gia đình và những người khác trong cộng đồng thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.

Năm 2016, thực hiện Nghị quyết 165/20015/NQ-HĐND tỉnh ngày 12/12/2015 Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ; đội ngũ CTV thôn, xóm có sự sắp xếp, kiện toàn.Ngày 04/01/2016, Ban B thư Trung ương Đảng khóa XI có Kết luận số 119 – KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW, ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Nhờ đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 47, công tác DS-KHHGĐ của Hà Tĩnh đã đạt được những tiến bộ nhất định: nhận thức và hành động của toàn xã hội được nâng lên rõ rệt, mô hình gia đình 2 con tiếp tục được nhiều cặp vợ chồng chấp nhận, nhịp độ gia tăng dân số nhanh từng bước được khống chế, chất lượng dân số đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Tỉnh. Nghị quyết đã cụ thể hóa một số chế độ, chính sách DS-KHHGĐ, đặc biệt là vấn đề khen thưởng, xử lý những tập thể, cá nhân thực hiện tốt hoặc vi phạm; đồng thời, quy định cụ thể tỷ lệ ngân sách đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ cũng như các giải pháp cơ bản về tuyên truyền - giáo dục, tổ chức bộ máy, cung cấp dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc SKSS. Đó là căn cứ pháp lý cụ thể và là điều kiện thuận lợi để tổ chức triển khai công tác DS-KHHGĐ một cách đồng bộ, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đến năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh vẫn ở mức khá cao (với 112,28 bé trai/100 bé gái) và việc kiểm soát mất cân bằng giới tinh khi sinh gặp rất nhiều khó khăn do tư tưởng của người dân vẫn còn lạc hậu, cộng với sự “tiếp sức” của những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh ngày càng phổ biến. Để từng bước khống chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, Hà Tĩnh tập trung mạnh vào giảm sinh và vấn đề nâng cao chất lượng dân số; triển khai các Đề án giai đoạn 2017-2025 như Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh (SLTS-SLSS). SLTS-SLSS được xem là phương pháp can thiệp hiện đại giúp chẩn đoán sớm dị tật bẩm sinh của trẻ, nâng cao chất lượng dân số. Năm 2018, đề án SLTS-SLSS tiếp tục được duy trì, triển khai tại 191 xã, thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố. Cũng trong năm 2018, toàn tỉnh đã có 5.300 trường hợp sàng lọc trước sinh và 7.200 trẻ sơ sinh được lấy mẫu máu gót chân tăng gần gấp 5 lần so với năm 2017; phát hiện 288 trường hợp nghi ngờ bị bệnh tật, thông báo cho các gia đình đưa các cháu lên tuyến trên để xét nghiệm lại.

Ngày 25/10/2017, Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành đã thành động lực mới cho công tác dân số. Sau một thời gian triển khai, được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện, Nghị quyết 21 đã thực sự là cú hích tạo chuyển biến tích cực trong công tác dân số, gắn với một số kết quả đáng ghi nhận như năm 2018 số trẻ được sinh ra là 18.992 cháu, giảm 962 cháu, tương ứng tỷ suất sinh thô năm 2018 đạt 14,65%0(giảm 0,50%0so với năm 2017) hoàn thành vượt mức kế hoạch ( Trung ương giao giảm 0,20%0. Tổng số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ mới sử dụng Biện pháp tránh thai lâm sàng là 18.626 cặp, đạt 93,15% kế hoạch.

Ngay sau khi có Nghị quyết 21, ngành đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 955-CTr/TU ngày 16/3/2018 thực hiện NQ 21; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 184/KH-UBND ngày 05/6/2018 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21. Ngành cũng đã tham mưu UBND ban hành KH 251/KH-UBND ngày 30/7/2018 kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2018-2020.

Tháng 5/2018,đồng chí Nguyễn Thị Tùng Hoa, Phó Chi cục trưởng nghỉ chế độ, đến tháng 11/2018, bác sĩ Bùi Quốc Hùng- Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh được bổ nhiệm làm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, bác sĩ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở thôi kiêm nhiệm Chi cục trưởng.

Qua 27 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, với lĩnh vực vừa là “quốc sách hàng đầu” vừa nhạy cảm, bắt rễ tới tận từng người, từng tổ ấm như dân số cũng là chừng ấy thời gian các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân Hà Tĩnh giải quyết bài toán lợi ích giữa một bên là những quan niệm kiểu “ trời sinh voi, trời sinh cỏ” “đông con hơn rườm của”với nhu cầu cải thiện, nâng cao mức sống của mỗi gia đình và mong muốn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.Thực tiễn công tác dân số Hà Tĩnh thời gian qua là đáp án đúng cho cho kết quả bài giải ấy. Từ địa phương có mức sinh cao thì đến năm 2018,công tác dân số có nhiều điểm sáng, tỷ suất suất sinh thô giảm xuống mức 14,65%0, tỷ lệ sinh trên 2 con giảm xuống mức 26,61%0,tỷ số giới tính khi sinh ở mức 108,08 bé trai/100 bé gái (giảm 4,20 điểm phần trăm so với năm 2017).

Với những kết quả đó, ngành Dân số-KHHGĐ trước đây và Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh hiện nay đã vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001), Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007; Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Y tế năm 2008, 2009, 2014; Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh (năm 2008, 2009, 2010), được Tổng cục Dân số-KHHGĐ tặng Giấy khen nhiều năm liền, đánh giá là tỉnh có nhiều đóng góp tích cực trong ông tác Dân số-KHHGĐ.

Bên cạnh những thành quả đã gặt hái được, công tác dân số trong thời gian qua còn nhiều việc chưa làm được, trước mắt và lâu dài còn nhiều thách thức.Trong khi cả nước đã đạt mức sinh thay thế và đang tập trung các hoạt động để nâng cao chất lượng dân số thì Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có mức sinh cao của cả nước. Những vấn đề về chất lượng dân số, cơ cấu dân số, phân bổ dân cư cần phải có nhận thức và cách làm mới.

Với những bài học kinh nghiệm đã có cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp, sự tham gia đông đảo của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu giữ vững, phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua và thực hiện tốt các chỉ tiêu về công tác dân số do Trung ương và tỉnh giao qua các giải pháp, hành động. Đó là:Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vềcông tác dân số, đặc biệt là Nghị quyết 21-NQ/TW đến các cấp ủy Đảng, chínhquyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân.Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu dân số năm 2019 và Chươngtrình hành động số 955-CTr/TU ngày 16/3/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghịquyết số 21-NQ/TW. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số, đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Giảm mức sinh, phấn đấu đưa về mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh đạt mức cân bằng tự nhiên; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, vận động vàgiáo dục, nội dung phải chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển.Đẩy mạnh xã hội hoá công tác dân số, tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội -nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộtích cực, tham gia có hiệu quả công tác này. Từ đó, góp phần để Hà Tĩnh thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.



Ý kiến bạn đọc


Tin liên quan