Chủ trương đúng đắn, phù hợp, có cơ sở thực tiễn
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc sơ kết thực hiện Nghị quyết 21/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12) về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.
Trong văn bản thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên , đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật (không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật).
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng trong năm 2025. Trước mắt, Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con, hoàn thành trong quý 1/2025.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội), đây là chủ trương rất cấp thiết, cấp bách và rất đúng.
Cả nước hiện có hơn 5,6 triệu đảng viên, theo Giáo sư Cử, định hướng quy định "không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên" không chỉ tác động đến nhóm người này mà phạm vi ảnh hưởng có tính tổng thể.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giáo sư Nguyễn Đình Cử cho rằng, việc đề xuất nới lỏng chính sách dân số để duy trì mức sinh thay thế đã được các chuyên gia đề xuất nhiều năm nay. Vì thế, với chủ trương "không xử lý kỷ luật Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên" là chủ trương đúng đắn, phù hợp, có cơ sở thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế. Không những thế, Bộ Chính trị còn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số; khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con.
Đặc biệt phấn khởi là Bộ Chính trị đồng ý xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.
Theo ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo một báo cáo gần đây của UNFPA, hai phần ba dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Đây không phải là hiện tượng tạm thời mà là thực tế mới đối với ngày càng nhiều quốc gia.
Theo nhandan.vn